Skip to main content

Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn

Ngày 18/3/2024 Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số  514/QĐ-UBND Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Xem chi tiết tại đây

   Mục tiêu

1. Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng (Quy chế) nhằm quản lý trật tự xây dựng và triển khai đầu tư theo Quy hoạch chung thị trấn Hữu Lũng đến năm 2035 đã được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt tại Quyết định 1556/QĐ-UBND ngày 13/08/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng đến năm 2035, tỷ lệ 1/5.000 (QHC thị trấn Hữu Lũng đến năm 2035).

2. Quản lý cảnh quan đô thị, kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng kiến trúc đô thị thị trấn Hữu Lũng – huyện Hữu Lũng.

3. Cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của thị trấn Hữu Lũng – huyện Hữu Lũng.

4. Quy định về kiến trúc các loại hình công trình làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng; cung cấp thông tin quy hoạch – kiến trúc và phục vụ công tác quản lý nhà nước có liên quan.

5. Là cơ sở để xác định chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc cho các công trình nhà ở riêng lẻ và các công trình khác thuộc phạm vi quy định tại Quy chế.

6. Quy định cụ thể trách nhiệm trong quản lý quy hoạch, kiến trúc của UBND huyện Hữu Lũng, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kiến trúc và xây dựng công trình kiến trúc, không gian, cảnh quan trên địa bàn thị trấn Hữu Lũng – huyện Hữu Lũng.

2. Phạm vi áp dụng

Phạm vi áp dụng Quy chế bao gồm toàn bộ diện tích, ranh giới theo đồ án QHC thị trấn Hữu Lũng đến năm 2035. Quy mô diện tích 1.536ha. Trong đó:

- Diện tích tự nhiên thị trấn Hữu Lũng hiện trạng 482,48 ha. Bao gồm các Khu phố: An Ninh; An Thịnh; Tân Hòa; Tân Lập; Na Đâu; Tân Mỹ I; Tân Mỹ II; Cầu Mười.

- Diện tích mở rộng về xã Sơn Hà 604,90 ha. Bao gồm 08 Thôn: Trường Sơn; Ao Đẫu; Na Hoa; Ngòi Na; En; Dốc Mới I.

- Diện tích mở rộng về xã Đồng Tân (03 thôn: Rừng Dong; Ngọc Thành; Sẩy), xã Hồ Sơn (03 thôn: Na Hoa; Tân Hoa; Nhất Hà) và xã Minh Sơn (01 thôn: Cã Ngoài) với tổng diện tích 448,62 ha.

Ranh giới được xác định như sau:

- Phía Đông Bắc giáp phần đất đồi các thôn Sẩy, thôn Rừng Dong, thôn Ngọc Thành, xã Đồng Tân.

- Phía Đông Nam giáp đất đồi thôn Na Hoa (cách đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn khoảng 0,12km).

- Phía Tây Bắc giáp đất đồi thôn Ngọc Thành, xã Đồng Tân.

- Phía Tây Nam giáp đất đồi thôn Coóc Mò, thôn Cã xã Minh Sơn.

1

Phạm vi áp dụng Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Hữu Lũng

Tổ chức thực hiện Quy chế

Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Hữu Lũng nhằm đảm bảo cho công tác quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thị trấn được triển khai đồng bộ, hài hòa về không gian, kiến trúc và cảnh quan; phù hợp với QHC thị trấn Hữu Lũng đến năm 2035. Quy chế cũng là cơ sở pháp lý để triển khai cấp giấy phép xây dựng cho công trình và nhà ở riêng lẻ theo quy định. Việc tổ chức thực hiện Quy chế được triển khai cụ thể như sau:

1. Đối với việc cấp giấy phép xây dựng:

a) Công trình đã có quy định trong Quy chế: cấp có thẩm quyền căn cứ Quy chế, quy hoạch đô thị được duyệt để cấp giấy phép xây dựng theo quy định hiện hành.

b) Công trình chưa được quy định trong Quy chế: phải tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc lập bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình; lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

c) Công trình và dự án đầu tư xây dựng có đề xuất khác với Quy chế: phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép triển khai xây dựng.

2. Về triển khai quy chế ở các khu vực đặc thù:

UBND huyện Hữu Lũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND thị trấn Hữu Lũng, UBND các xã Sơn Hà, Đồng Tân, Hồ Sơn, Minh Sơn trên cơ sở Quy chế đã được phê duyệt tổ chức ban hành các quy định quản lý đối với các khu vực đặc thù.

3. Về nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể:

UBND huyện Hữu Lũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị khác có liên quan đến công tác quản lý kiến trúc phối hợp với UBND thị trấn Hữu Lũng, UBND các xã Sơn Hà, Đồng Tân, Hồ Sơn, Minh Sơn trong quá trình triển khai thực hiện chủ động rà soát các quy định cụ thể trong Quy chế để đề xuất bổ sung, chỉnh sửa (nếu có) cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực trạng phát triển đô thị.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc

1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tư vấn thiết kế:

a) Tuân thủ các điều kiện về hành nghề theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức tư vấn thiết kế, tác giả phương án thiết kế, chủ nhiệm đồ án thực hiện giám sát tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành; chịu trách nhiệm liên quan về không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị.

c) Đơn vị tư vấn thiết kế trong quá trình thiết kế các công trình xây dựng thuộc đối tượng phạm vi áp dụng Quy chế phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định theo quy hoạch đô thị được duyệt, QCVN, TCVN hiện hành và quy định trong Quy chế.

2. Trách nhiệm của nhà thầu xây dựng:

a) Nhà thầu xây dựng công trình có trách nhiệm triển khai thi công xây dựng và hoàn thành đúng theo thiết kế, quy định đã cam kết trong hợp đồng của chủ đầu tư và các quy định trong Quy chế.

b) Trong quá trình thi công, hoàn thiện, sửa chữa, bảo trì công trình phải có biện pháp hạn chế tối đa các ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư, đến không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực nơi có công trình do mình xây dựng.

c) Cùng chủ đầu tư lập biện pháp bảo vệ trong cả quá trình thi công, phá dỡ; tái tạo môi trường, không gian, cảnh quan bị hư hại do thi công công trình gây ra.

d) Tuân thủ các quy định tại giấy phép xây dựng và các quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị hiện hành có liên quan.

3. Trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ đầu tư, người sử dụng:

a) Tuân thủ quy định của Quy chế, các quy định quản lý đô thị liên quan và chịu trách nhiệm về chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan trong phạm vi công trình; bảo vệ gìn giữ hình ảnh, tình trạng hiện có của công trình kiến trúc đang sở hữu, đang sử dụng; khi công trình hư hỏng, phải sửa chữa kịp thời.

b) Xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc đô thị phải thực hiện đúng quy hoạch xây dựng và quy định trong Quy chế. Phải được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền mới được thay đổi về kiến trúc, chức năng sử dụng, kết cấu chịu lực của công trình; thêm hoặc bớt các bộ phận, thay đổi hình thức và chất liệu lợp mái nhà, màu sắc công trình, chất liệu ốp, chi tiết hoặc các bộ phận thuộc mặt ngoài công trình.

c) Phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch, thiết kế công trình tuân thủ quy hoạch, QCVN, TCVN và Quy chế nhằm đảm bảo dự án có chất lượng. Đảm bảo công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội kết nối hài hòa với không gian và cảnh quan đô thị.

d) Xây dựng cơ sở hạ tầng đúng theo quy hoạch, dự án được duyệt, đảm bảo đúng theo giấy phép xây dựng. Bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cho cơ quan có thẩm quyền đúng tiến độ và chất lượng. Thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đô thị theo quy định.

e) Chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan trong suốt quá trình triển khai dự án. Mọi hoạt động san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kiến trúc không được ảnh hưởng đến các khu đất và công trình lân cận.

4. Trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp:

a) Thực hiện các chức năng tư vấn giám định và phản biện xã hội trong công tác quản lý nhà nước về kiến trúc, cảnh quan đô thị; thiết kế cảnh quan đô thị; bảo vệ môi trường sinh thái; các đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế công trình có ý nghĩa quan trọng của thị trấn theo quy định của pháp luật.

b) Tuyên truyền phổ biến chính sách, luật pháp, những kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và quản lý phát triển đô thị, xây dựng đô thị mang tính hiện đại và giữ gìn bản sắc dân tộc.

5. Trách nhiệm của Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn:

a) Hướng dẫn, phối hợp với UBND huyện Hữu Lũng tổ chức thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Hữu Lũng.

b) Thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc thẩm quyền theo Quy chế và các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng.

c) Là đầu mối tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy chế cho phù hợp với các quy định và yêu cầu quản lý thực tiễn (trong trường hợp cần thiết).

6. Trách nhiệm của UBND huyện Hữu Lũng:

a) Chịu trách nhiệm quản lý kiến trúc đô thị, trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn; tổ chức thực hiện các nội dung được quy định tại Quy chế.

b) Theo thẩm quyền được giao, cấp phép xây dựng cho công trình và nhà ở riêng lẻ theo quy định của Quy chế và quy hoạch được duyệt; kiểm tra giấy phép xây dựng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.

c) Đề xuất, xây dựng kế hoạch đầu tư tăng cường chất lượng cảnh quan, không gian đô thị đối với các công trình công cộng như cây xanh đường phố, công viên, các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thị trấn Hữu Lũng.

d) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND thị trấn Hữu Lũng, UBND các xã Sơn Hà, Đồng Tân, Hồ Sơn, Minh Sơn thực hiện kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất về quản lý xây dựng theo giấy phép. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong các hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền.

7. Trách nhiệm của UBND thị trấn Hữu Lũng, UBND các xã Sơn Hà, Đồng Tân, Hồ Sơn, Minh Sơn:

Tổ chức thực hiện, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Quy chế và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn do đơn vị mình quản lý trong phạm vi áp dụng Quy chế. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm có liên quan đến xây dựng theo quy định của pháp luật.

Vũ Đạo Huân - Văn hòng Sở./.