Skip to main content

V/v phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Thực hiện Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 13/6/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn về kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024; Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Ngày 18/6/2024 Sở Xây dựng ban hành Công văn số 1353/SXD-QLXD V/v phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024 gửi đến các Sở, ban, ngành, Hội, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc tỉnh; Đài phát thanh - truyền hình Lạng Sơn và các đơn vị có liên quan. Để chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do ảnh hưởng của thiên tai gây ra, Sở Xây dựng đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện tốt một số công việc sau đây:

1. Nghiên cứu tổ chức thực hiện; tuyên truyền, phổ biến các tài liệu hướng dẫn của Bộ Xây dựng về phòng chống thiên tai gồm: (1) Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng phòng và giảm thiểu thiệt hại do gió, bão cho nhà và công trình; (2) Phân loại nhà an toàn chịu gió, bão; (3) Khuyến cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình; (4) Quy trình kiểm định và Quy trình bảo trì công trình tháp thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình.

1

Kiểu Nhà ở an toàn

2. Quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 13/6/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn về kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024; Công văn số 865/SXD-QLXD ngày 24/5/2024 của Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn về việc phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2024; Công văn số 1330/SXD-QLXD ngày 15/6/2024 của Sở Xây dựng về việc tăng cường công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sự cố sạt lở, sớm khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị, khu dân cư khi mưa lớn.

3. Kiện toàn, nâng cao năng lực cảu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của đơn vị; tuyên truyền để cán bộ, công nhân viên chức trong đơn vị hiểu biết và nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống thiên tai.

4. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai cho đơn vị mình trên cơ sở bảo đảm các nội dung: An toàn cho người, phương tiện thi công, nhà ở, lán trại, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi, đặc biệt đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Đối với các đơn vị hiện đang thi công tại các vùng ven sông, khu vực nguy cơ sạt lở phải đặc biệt chú ý xây dựng phương án cho các trường hợp cần thiết để khẩn trương sơ tán người và các loại máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực ảnh hưởng khi nước sông, biển tràn vào.  

5. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tham gia phòng chống, tìm kiếm, cứu nạn theo yêu cầu của địa phương.

6. Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuân theo sự chỉ dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của địa phương. Trong trường hợp có lũ, bão xảy ra phải tổ chức trực chỉ huy, trực ban trong suốt thời gian thiên tai ảnh hưởng; thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tình hình, diễn biến ảnh hưởng của lũ bão đối với đơn vị mình.

7. Đối với các khu chung cư, khu tập thể đặc biệt là các khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, phải lập biện pháp phòng chống mưa bão cho từng khu nhà và có phương án di dời để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của các hộ dân cư khi có bão đổ bộ.

8. Đối với các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng

- Xây dựng phương án và triển khai thực hiện giằng néo kèo cột, che chắn và chống tốc mái cho nhà xưởng, nhà làm việc, nhà ở cho công nhân nội trú, kho tàng, đặc biệt là các kho chứa thành phẩm, bán thành phẩm; khơi thông cống rãnh thoát nước nội bộ tránh xảy ra ngập cục bộ; duy trì sự làm việc bình thường của các máy phát điện dự phòng để chủ động cung cấp điện cho các thiết bị sử dụng trong dây truyền sản xuất;

- Lập phương án và chủ động sửa chữa, gia cố kịp thời trụ sở, nhà xưởng, kho tàng, nhà ở không đảm bảo an toàn sau mưa bão nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong đơn vị.

9. Đối với các đơn vị thi công xây lắp

- Khi lập biện pháp thi công xây dựng công trình phải có phương án phòng chống thiên tai và phương án thi công trong mùa mưa bão, trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy móc thiết bị và công trình xây dựng;

- Đối với các công trình mới khởi công phải khẩn trương thi công phần móng trước khi mùa mưa bão đến; đối với các công trình xây dựng đã hoàn thành phải khẩn trương tổ chức nghiệm thu, bàn giao cho chủ đầu tư để có các biện pháp phòng ngừa, giải pháp giằng chống khi có lũ, bão xảy ra;

- Khi đào đất hố móng trong mùa mưa phải có mương, rãnh thoát nước và có biện pháp chống sạt, lở thành vách hố móng, phải có thang hoặc tạo bậc cho công nhân lên xuống; sau mỗi trận mưa, bão nếu trở lại làm việc ngay phải rắc cát vào bậc lên xuống đề phòng trượt ngã,...

- Không được sử dụng cần trục tháp lúc mưa to, giông, bão; không được lắp dựng, tháo dỡ dàn giáo, giá đỡ, không được làm việc trên dàn giáo, đài nước, cột điện, dầm trụ công trình khi trời tối, lúc mưa to, giông, bão; khi tạnh mưa muốn làm việc trở lại phải kiểm tra dàn giáo, giá đỡ và có biện pháp chống trượt ngã; trên công trường phải có lán trú mưa, nước uống phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh cho cán bộ, công nhân;

- Khi thực hiện công tác xây, trát nếu có mưa to, giông tố phải che đậy, chống đỡ khối xây để khỏi bị xói lở hoặc sập đổ; đồng thời phải hướng dẫn cán bộ, công nhân đến nơi ẩn nấp an toàn. Khi để các vật liệu, dụng cụ trên mái phải có biện pháp chống lăn, chống trượt theo mái dốc, kể cả trường hợp do tác động của gió;

- Có biện pháp chống sét cho công trình và thiết bị khi làm việc trong mùa mưa, bão theo các quy định về chống sét cho các công trình xây dựng; trừ trường hợp công trình xây dựng trong phạm vi được bảo vệ của hệ thống chống sét đã có;

- Sau mỗi đợt mưa, bão, có gió lớn hoặc sau khi ngừng thi công nhiều ngày liền phải kiểm tra lại các điều kiện an toàn trước khi thi công tiếp, nhất là những nơi nguy hiểm có khả năng xảy ra tai nạn.

Văn phòng Sở./.

About