Skip to main content

Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Đây là Dự án trọng điểm Quốc gia của ngành giao thông vận tải, là dự án đường ô tô cao tốc đầu tiên của Việt Nam được áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế. Dự án góp phần tạo nên mạng lưới giao thông hiện đại trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

Tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km, (còn gọi là đường “5B”) chạy song song với đường Quốc lộ 5 Hà Nội đi Hải Phòng, được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách giải tỏa ách tắc cho Quốc lộ 5, thỏa mãn nhu cầu vận tải ngày càng tăng nhanh trên trục Hà Nội – Hải Phòng, thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được phê duyệt tại Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội…, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. 

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Theo đánh giá tổng kết tại Nghị quyết trung ương 4 khóa XI, hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, nguồn lực đầu tư chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước.

Tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Ngay từ năm 2002, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 và quy hoạch tổng thể mạng lưới đường bộ cao tốc của Việt Nam đến 2020 xác định tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là con đường chính, huyết mạch giao thông trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cùng với Quốc lộ 5, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn…trở thành mạng lưới đường giao thông xương sống nối liền các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, thúc đẩy, hỗ trợ các địa phương trong khu vực khai thác triệt để những tiềm năng sẵn có.

Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020 quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng đã đề cập đến mạng đường cấp cao và cao tốc, trong đó nêu rõ đến năm 2010 triển khai xây dựng các đoạn, tuyến cao tốc như đường Nội Bài – Hạ Long dài 145 km, quy mô 4-6 làn xe; tuyến Hà Nội – Hải Phòng: dài 100 km, quy mô 4-6 làn xe; đoạn Hà Nội – Việt Trì: dài 78 km, quy mô 4-6 làn xe; đường Láng – Hòa Lạc: dài 30 km, quy mô 4-6 làn xe; đoạn Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây: dài 50 km, quy mô 4-6 làn xe…

Căn cứ quy hoạch phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1393/CPCN ngày 24/9/2004, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tiếp đó, ngày 12/10/2004, Bộ Giao thông vận tải đã lập Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội theo quyết định số 3026/QĐ-BGTVT. Tuy nhiên, sau đó chưa xác định được nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách, theo kế hoạch phải đến sau năm 2012 mới tính đến việc bố trí vốn cho dự án này, nên dự án chưa được đầu tư.

Sau nhiều lần thảo luận, tại Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 17/4/2007 của Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã quyết định giao nhiệm vụ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì cùng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) huy động vốn để đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT. Các nhà đầu tư của Dự án gồm: Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Tổng Công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn (SGI) đã góp vốn thành lập Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm chủ đầu tư để triển khai Dự án.

Trên cơ sở đó, ngày 29/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1621/QĐ-TTg về một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng làm cơ sở, căn cứ để chủ đầu tư triển khai và tổ chức thực hiện Dự án.

Con đường nắm giữ nhiều kỷ lục

Sau một thời gian chuẩn bị, Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã chính thức được khởi công ngày 19/5/2008. Tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được thiết kế là đường cao tốc loại A, có chiều dài 105 km, mặt cắt ngang đường chính tuyến rộng 33 m, mặt đường chính gồm 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, thiết kế cho xe chạy với tốc độ 120km/h, 2 bên có hệ thống đường gom kết nối với các địa phương và 2 dải cây xanh. Tuyến đường có điểm đầu tại đường vành đai III của thành phố Hà Nội (cách mố cầu Thanh Trì khoảng 1 km), điểm cuối của tuyến đường kết thúc ở đập Đình Vũ, Quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Tuyến đường đi qua 4 tỉnh: Hà Nội (6,2 km), Hưng Yên (26,8 km), Hải Dương (39 km), Hải Phòng (33,5 km). Để thực hiện Dự án, cần thu hồi hơn 1.000 ha đất (chủ yếu là đất nông nghiệp) để làm đường và các nút giao thông, các điểm dịch vụ phục vụ cho việc vận hành con đường. Để giải phóng mặt bằng, thi công toàn tuyến sẽ phải di dời khoảng trên 1.250 hộ, làm lại 60 km kênh mương, di chuyển 480 cột điện, di chuyển trên 8.000 ngôi mộ…

Dự án thi công xây dựng tuyến đường được chia thành 10 gói thầu (so với 30 km đường Láng – Hòa Lạc có đến hàng chục gói thầu do hàng chục nhà thầu thi công), trong đó hầu hết là các nhà thầu quốc tế thi công. Việc có số lượng nhà thầu thi công tương đối ít sẽ đảm bảo chất lượng và sự khớp nối giữa các gói thầu, đoạn tuyến của Dự án. Đến nay, diện tích GPMB giai đoạn I của toàn tuyến đã đạt 99,6% với diện tích khoảng 1.102 ha trên 1.106 ha. 9/10 gói thầu thi công đã được khởi công, thi công.

Có thể nói, đây là Dự án trọng điểm Quốc gia của ngành giao thông vận tải, là dự án đường ô tô cao tốc đầu tiên của Việt Nam được áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế. Toàn tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, có 6 nút giao liên thông khác mức (cầu vượt), 9 cầu lớn, 21 cầu trung bình, 124 cống chui và cầu vượt dân sinh; tuyến đường được thiết kế hệ thống thu phí tự động khép kín, các thiết bị hiện đại kiểm soát và điều hành giao thông trên đường.

Tính đến nay, đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải hiện đang nắm giữ nhiều kỷ lục. Là con đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, đây cũng là lần đầu tiên một con đường cao tốc hiện đại, quy mô lớn được đầu tư theo hình thức BOT. Đặc biệt, để thi công con đường, phải huy động khối lượng đất, cát san lấp lên tới hơn 40 triệu m3, chiếm số lượng đất cát cao nhất so với các dự án giao thông ở Việt Nam hiện nay.

Khi con đường hoàn thành, một trong những hiệu quả nội bật của Dự án là với chiều dài tương đương Quốc lộ 5 cũ nhưng thời gian đi từ Hà Nội tới Hải Phòng chỉ mất chưa đến một tiếng đồng hồ. Ngoài ra, với thiết kế 6 làn xe chạy cao tốc, còn có 2 làn đường gom phục vụ ô tô, xe gắn máy, giao thông của cư dân địa phương hai bên đường, nằm ở độ cao thấp hơn vài mét so với các làn đường cao tốc. Vì vậy, sẽ không thể có chuyện “xé rào” vào cao tốc nhưng cũng không làm con đường bị cô lập, cách biệt với cư dân hai bên do hệ thống cầu chui, vượt, cống chui dân sinh và hệ thống đường gom theo tiêu chuẩn hiện đại. Theo thiết kế này, các loại xe ô -tô, đặc biệt các xe công -ten-nơ siêu trường, siêu trọng có thể chạy thẳng luồng tới cảng biển lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tuyến đường còn làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn khi có 15 khu đô thị và công nghiệp mới được xây dựng hai bên đường.

Dự án có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội quan trọng

Về nguồn vốn cho Dự án, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do VCB là ngân hàng thương mại, nên hoạt động tín dụng bị hạn chế bởi quyết định của Đại hội cổ đông và quy định về cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, VDB và VCB đã thống nhất: VDB sẽ thu xếp toàn bộ nguồn vốn để cho vay Dự án. Theo các quyết định của Thường trực Chính phủ, VDB được phép dùng vốn huy động dài hạn và một phần vốn điều lệ để góp 76,8% vốn điều lệ của Vidifi và thu xếp vốn cho Vidifi vay để thực hiện Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tổng mức đầu tư của Dự án là 24.556 tỷ đồng (tại thời điểm phê duyệt dự án: 2008).

Để đảm bảo nguồn vốn theo Tổng mức đầu tư Dự án, VDB đã ký hợp đồng nguyên tắc cho Vidifi vay 21.556 tỷ đồng để đầu tư Dự án. Lãi suất cho vay là lãi suất thị trường, Nhà nước không phải cấp bù. Đặc thù Dự án là quy mô vốn lớn, thời hạn thu hồi vốn dài, phần lớn chi phí thực hiện dự án là thanh toán cho các nhà thầu nước ngoài, do đó VDB đã xác định nguồn vốn cho vay thực hiện Dự án chủ yếu là nguồn vốn huy động từ các tổ chức nước ngoài. Hiện nay VDB đã và đang tích cực đàm phán để huy động vốn cho Dự án. Tổng số vốn  VDB đã huy động từ các tổ chức quốc tế là hơn 600 triệu USD và các tổ chức tín dụng quốc tế cam kết cho vay gần 400 triệu USD, nâng tổng số vốn huy động từ các tổ chức quốc tế gần 1 tỷ USD.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn Ngân sách Nhà nước còn hạn chế, trong khi các nhà đầu tư thành phần kinh tế khác không mặn mà với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài, việc hoàn vốn rất rủi ro, đầu tư đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lại cấp bách thì việc Chính phủ giao cho VDB huy động vốn đầu tư xây dựng tuyến đường là phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội đặc biệt quan trọng. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ hợp cùng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh… tạo nên mạng lưới giao thông hiện đại góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Trong tương lai không xa từ đập Đình Vũ - điểm cuối con đường – sẽ có thêm tuyến đường cao tốc và cầu vượt biển đến Cát Hải, đồng thời cảng Lạch Huyện sẽ được xây dựng thành cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Về mặt đối ngoại, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ kết hợp với tuyến đường cao tốc Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội, đường cao tốc Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội nằm trong tổng thể quy hoạch xây dựng “hai hành lang, một vành đai” mà lãnh đạo hai nước Việt – Trung đã có ý tưởng xây đắp và phát triển.

Khi các dự án này phát huy hiệu quả sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế xã hội, khai thác tiềm năng sẵn có của các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối cảng biển quan trọng phía Bắc Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Với ý nghĩa này, tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một dự án quan trọng góp phần phát triển kinh tế đất nước./.

Nguồn: Chinhphu.vn