Skip to main content

Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040

Chiều ngày 14/10/2021 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đến dự và chủ trì buổi Hội thảo.

​​

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu kết luận Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế và bất động sản: PGS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường đào tạo Ngân hàng BIDV; Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp; Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà; Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương; ông Nguyễn Trọng Ninh - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng…

​​

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Bùi Xuân Dũng trình bày Dự thảo Chiến lược

Tại Hội thảo, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã trình bày khái quát nội dung của Dự thảo Chiến lược, gồm 04 phần chính: Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011 - 2020; Bối cảnh, quan điểm, mục tiêu xây dựng Chiến lược; Nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhà ở; Tổ chức thực hiện.

Ông Bùi Xuân Dũng cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg, tình hình phát triển nhà ở trên cả nước đã đạt được những kết quả tích cực, chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, từng bước tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở có khả năng cải thiện chỗ ở, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4m2: khu vực đô thị đạt 25,1m2 sàn/người (tăng 3,8 m2 so với năm 2011); Khu vực nông thôn đạt 24,0m2 sàn/người (tăng 6,2m2 so với năm 2011). Chất lượng nhà ở được nâng cao: đa số các hộ dân cư đều có nhà ở và đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố tăng lên tới 93,1% tổng số hộ có nhà ở. Đến nay trên cả nước đã hoàn thành khoảng 260 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, tương ứng khoảng 110.000 căn, tương đương 5,5 triệu m2 nhà ở. Hiện đang tiếp tục triển khai hơn 270 dự án, tương đương khoảng 256.000 căn, với tổng diện tích khoảng 12,8 triệu m2 nhà ở. Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, người nghèo khu vực thiên tai, bão lụt ước tính đạt khoảng 500.000 hộ dân, tương đương với khoảng 2 triệu người dân có chỗ ở an toàn…Hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nhà ở ngày càng được hoàn thiện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở, đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở, đáp ứng phần lớn nhu cầu nhà ở của nhân dân.

Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040 đặt ra một số mục tiêu cơ bản như: Phấn đấu phát triển và cải tạo sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2021-2030 đạt 1,032 tỷ m2, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn nhà.  Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu nguời toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người;  Tăng tỷ trọng cơ cấu nhà cho thuê, đa dạng hóa, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và có giá cả hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị;  Xây dựng và kết cấu lại các chính sách cụ thể riêng cho từng loại hình nhà ở, nhóm đối tượng mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội bao gồm công nhân, người thu nhập thấp tại đô thị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân; Hoàn thiện, sửa đổi quy định về việc quản lý, phát triển nhà ở theo quy hoạch, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà; Đặt ra hệ thống mục tiêu cụ thể có kèm theo các chỉ tiêu về phát triển nhà trong giai đoạn 2021-2030 trong đó một nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nhà ở cho công nhân...

​​

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chiến lược, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Chiến lược này rất quan trọng, là cơ sở cho việc hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển nhà ở cũng như góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh. Trong Dự thảo nên đánh giá kỹ hơn những kết quả đạt được của Chiến lược nhà ở giai đoạn 2011-2020 đối với sự phát triển của các đô thị, đồng thời cũng phân tích thêm về các tồn tại, hạn chế về thể chế, quy hoạch, tài chính bất động sản, thông tin dữ liệu, dự báo cung - cầu. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng cần đề xuất các giải pháp mạnh mẽ về hoàn thiện thể chế, cũng như các đột phá về huy động nguồn lực để thực hiện.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành góp ý cho Dự thảo Chiến lược

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, xu thế của thế giới là phát triển bền vững, phát triển bao trùm. Trong giai đoạn tới, khi kinh tế ngày càng phát triển, cấu trúc dân số, thu nhập của người dân tăng lên thì các đòi hỏi và nhu cầu lựa chọn nhà ở của người dân sẽ thay đổi, do đó Dự thảo nên đặt ra các mục tiêu về nâng cao chất lượng nhà ở, nhà ở xanh, nhà ở thông minh. Bên cạnh đó, từ đại dịch Covid-19 vừa qua cũng cho thấy các vấn đề về công nghiệp hóa và phát triển nhà ở công nhân, do đó Dự thảo Chiến lược cũng cần phân tích kỹ hơn và nhấn mạnh hơn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

​​

Chủ tịch HĐQT GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp góp ý cho Dự thảo Chiến lược

Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị Dự thảo Chiến lược cần định hướng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở có mức giá trung bình, cải tạo nhà chung cư cũ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phát triển nhà ở.

​​

PGS.TS. Trần Kim Chung phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS. Trần Kim Chung nhấn mạnh và đề nghị bổ sung các giải pháp thu hút nguồn lực tài chính cho phát triển nhà ở như xây dựng Quỹ tiết kiệm tương hỗ, hệ thống tái thế chấp, các loại trái phiếu… cũng như vấn đề đa dạng hóa các loại hình sở hữu bất động sản…

Phát biểu tổng kết Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh bày tỏ cảm ơn các ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, việc xây dựng “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040” là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao cho ngành Xây dựng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội và chính sách đảm bảo an sinh về nhà ở trong giai đoạn mới. Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là định hướng quan trọng để nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách về nhà ở trong thời gian tới, là căn cứ để các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 và định hướng đến năm 2040.

Trong giai đoạn sắp tới, bên cạnh việc xây dựng các chính sách thu hút các nguồn lực cho phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường định hướng XHCN để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tăng thu cho ngân sách nhà nước, thu hút lực lượng lao động và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước quan tâm vẫn là phải thực hiện các chính sách an sinh về nhà ở, quan tâm, chăm lo hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội; người yếu thế, hộ gia đình, cá nhân là người có công với cách mạng; hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai,… để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đã tập trung thảo luận, trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, cụ thể. Các đại biểu cơ bản đánh giá cao sự công phu, khoa học trong việc xây dựng Dự thảo Chiến lược, trên cơ sở phân tích tồn tại khó khăn, bối cảnh và dự báo xu hướng phát triển nhà ở để xác định mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, từ đó đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược. Theo đó, quan điểm phát triển nhà ở trong giai đoạn tới là tạo điều kiện cho mọi người dân có chỗ ở, chú trọng nâng cao chất lượng nhà ở, cập nhật xu hướng phát triển nhà ở xanh, thông minh; phát triển nhà ở phải gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị, xây dựng lại nhà chung cư cũ; phát triển nhà ở trong bối cảnh hậu Covid-19; phát triển nhà ở gắn với phát triển thị trường bất động sản bền vững... Đồng thời, phải có chính sách trọng tâm tới nhóm đối tượng nhà ở công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng đây cũng là căn cứ quan trọng đề xuất sửa đổi Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Sau khi tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ hoàn thiện Dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV năm 2021.

Nguồn tin: https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1173/69102/hoi-thao-lay-y-kien-gop-y-du-thao-chien-luoc-phat-trien-nha-o-quoc-gia-giai-doan-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2040.aspx